Thông báo
Mời các tổ trưởng, tổ phó chuyên môn tham gia góp ý Quy chế chuyên môn.
Mời các tổ trưởng, tổ phó chuyên môn tham gia góp ý Quy chế chuyên môn.
QUY CHẾ CHUYÊN MÔN NĂM HỌC 2013 - 2014
( Ban hành kèm theo quyết định số: /QĐ - THCS ngày 12 tháng 8 năm 2013 của Trường THCS Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế)
CHƯƠNG 1: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG.
1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng.
1.1. Quy chế này quy định việc thực hiện quy chế chuyên môn tại trường THCS Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
1.2. Quy chế này áp dụng cho đối tượng là toàn bộ cán bộ giáo viên Trường THCS Phong Mỹ và các đồng chí giáo viên các trường khác tham gia giảng dạy có thời hạn tại trường THCS Phong Mỹ.
2. Mục đích quy chế.
2.1. Quy chế nhằm áp dụng thống nhất các quy định về nề nếp chuyên môn của giáo viên toàn trường.
2.2. Tạo thuận lợi cho tổ chuyên môn và Ban Giám Hiệu nhà trường trong việc quản lý, tổ chức và chỉ đạo công tác chuyên môn.
3. Nguyên tắc áp dụng.
Những quy định tại quy chế trái với quy định của pháp luật, các quy định của ngành và các cấp quản lý giáo dục cấp trên thì không áp dụng quy chế này.
CHƯƠNG 2: NHIỆM VỤ CHUNG
1. Nhiệm vụ chung của tổ chuyên môn.
1.1. Xây dựng kế hoạch hoạt động chung của tổ; giúp tổ viên xây dựng kế hoạch giảng dạy bộ môn; kiểm tra đôn đốc mỗi tổ viên thực hiện nghiêm túc việc dạy đúng, dạy đủ theo Phân phối chương trình của Sở, Phòng; thảo luận tình hình và đánh giá kết quả giáo dục học sinh thuộc phạm vi tổ phụ trách; bàn các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh. Quản lý các thành viên của tổ, quản lý chuyên môn, kiểm tra đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của giáo viên. Theo dõi các hoạt động toàn diện của tổ viên.
1.2. Xây dựng Kế hoạch giảng dạy bộ môn, dạy học tự chọn, giáo dục hướng nghiệp, kế hoạch sử dụng thiết bị dạy học theo học kì và năm học.
1.3. Tổ chức trao đổi và đánh giá sáng kiến kinh nghiệm giáo dục, làm đồ dùng dạy học; tổ chức dự giờ lên lớp của các thành viên trong tổ để rút kinh nghiệm, tổ chức bồi dưỡng để nâng cao trình độ tổ viên. Phân công tổ viên thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo cho học sinh yếu kém.
1.4. Thảo luận về các biện pháp chống học sinh lưu ban, bỏ học, lười học, có thái độ học tập không đúng. Xây dựng và đăng kí các tiêu chí, chỉ tiêu của từng học kì và cả năm học cho từng khối lớp, được nhận xét đánh giá hàng tháng, từng kỳ và cả năm học. Sau đánh giá có biện pháp khắc phục những hạn chế cho tháng sau, kỳ sau.
1.5. Tổ chức phong trào thi đua trong tổ, nhận xét và đánh giá tổ viên, thảo luận kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ của giáo viên, bao gồm cả việc dạy bồi dưỡng, dạy các bài khó, chương khó, trao đổi kinh nghiệm thiết kế bài dạy. Tổ chức thao giảng, thăm lớp dự giờ, đánh giá chất lượng giờ dạy theo hướng dẫn 10227 của Bộ GD & ĐT ngày 11/09/2001.
1.6. Việc theo dõi kiểm tra giáo viên của tổ trưởng phải làm thường kỳ, có kế hoạch và công khai. Hàng tuần báo cáo Ban giám hiệu tình hình thực hiện nhiệm vụ của giáo viên, của Tổ CM ( bằng văn bản vào thứ 7 hàng tuần). Nội dung đánh giá gồm: ưu điểm, khuyết điểm, những việc đã làm, đang làm, kết quả, hiệu quả và kiến nghị.
1.7. Đánh giá, xếp loại CBGV hàng kì và hàng năm. Đề nghị hiệu trưởng khen thưởng hoặc kỷ luật giáo viên.
2. Nhiệm vụ chung của giáo viên.
2.1. Giáo viên bộ môn.
- Giảng dạy và giáo dục theo đúng Chương trình, kế hoạch giảng dạy Bộ, Phòng. Xây dựng kế hoạch giảng dạy bộ môn theo đúng PPCT. Thực hiện đúng theo hướng dẫn chương trình giảm tải của Bộ GD & ĐT. Chuẩn bị và soạn bài theo quy định trước khi lên lớp. Chuẩn bị thí nghiệm (nếu có). Cuối tuần thực hiện tốt việc báo giảng tuần tới để BGH kiểm tra và kí duyệt. Kiểm tra và chấm bài theo đúng quy định, đảm bảo đúng và kịp tiến độ. Thực hiện tốt việc ghi, nhận xét và đánh giá giờ dạy. Ghi điểm vào sổ gọi tên và ghi điểm, Thực hiện việc ghi điểm học bạ. Lên lớp đúng giờ, không tự tiện bỏ giờ, bỏ buổi dạy. Dạy thay khi được phân công. Chủ động đề xuất phương án dạy bù tiết (nếu có). Tham gia quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục của nhà trường. Đảm bảo có đủ hồ sơ giáo án theo yêu cầu. Tích cực tham gia các hoạt động của tổ, nhóm chuyên môn và nhà trường.
- Thường xuyên tự rèn luyện đạo đức, học tập văn hoá, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao trình độ nhận thức về mọi mặt để nhằm nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục. Tự bồi dưỡng và tham gia tốt các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do trường hoặc ngành tổ chức. Tham gia tốt việc bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu kém. Tích cực dự giờ đồng nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Tích cực tham gia phong trào làm đồ dùng dạy học và viết sáng kiến kinh nghiệm.
- Thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật, điều lệ trường trung học và Pháp lệnh cán bộ, công chức; thực hiện quyết định của Hiệu trưởng, chịu sự kiểm tra của Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và chịu sự điều hành về chuyên môn của Tổ trưởng chuyên môn và các cấp quản lý giáo dục.
- Giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín nhà giáo, gương mẫu trước học sinh, thương yêu, tôn trọng học sinh; đối xử công bằng với học sinh, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp trong công tác.
- Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên khác, đoàn thể và liên đội trong nhà trường và gia đình học sinh trong các hoạt động giảng dạy và giáo dục học sinh. Tích cực tham gia hoạt động của Công đoàn, Nữ công, chi đoàn và các hoạt động khác trong Nhà trường. Thực hiện tốt các công việc khác do Hiệu trưởng phân công.
- Giao cho mỗi giáo viên giảng dạy phải có ít nhất 1 học sinh giỏi/ 1 bộ môn/ 1 lớp học. Riêng lớp 8, 9 phải thành lập đội tuyển thi học sinh giỏi cấp huyện.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Pháp luật.
2.2. Giáo viên chủ nhiệm.
Ngoài các nhiệm vụ được nêu tại mục 2.1. giáo viên bộ môn, Giáo viên chủ nhiệm còn có những nhiệm vụ sau:
- Tìm hiểu và nắm vững học sinh trong lớp về mọi mặt để có biện pháp tổ chức giáo dục sát đối tượng, nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của lớp.
- Xây dựng kế hoạch chủ nhiệm theo đúng chuyên đề của trường. Thường xuyên liên hệ với phụ huynh học sinh để làm tốt công tác kết hợp giáo dục học sinh. Chủ động phối hợp với chi đoàn, liên đội trường, giáo viên bộ môn, các tổ chức xã hội có liên quan để làm tốt công tác giảng dạy và giáo dục học sinh.
- Tổ chức và điều hành tốt việc sinh hoạt 15 phút đầu giờ của lớp. Làm tốt công tác của giáo viên trực tuần. Tổ chức điều hành nội dung giáo dục ngoài giờ lên lớp tại buổi chào cờ đầu tuần, cuối tuần phải họp với Đội cờ đỏ để đánh giá, xếp loại thi đua theo tuần, đảm nhận việc nhận xét hoạt động nền nềp của Nhà trường vào Chào cờ thứ 2 ( nếu lớp mình được phân công trực tuần )
- Nhận xét, đánh giá và xếp loại học lực và hạnh kiểm của học sinh cuối kì học và cả năm theo quy định hiện hành của Bộ trưởng Bộ GD & ĐT. Đề nghị khen thưởng và kỉ luật học sinh, đề xuất danh sách học sinh được lên lớp thẳng, phải thi lại, phải rèn luyện thêm về hạnh kiểm trong hè, phải ở lại lớp; hoàn thành việc ghi sổ điểm và học bạ học sinh.
- Thường kì báo cáo hoặc đột xuất (nếu có) tình hình học tập, rèn luyện và tu dưỡng của học sinh lớp mình với Ban giám hiệu nhà trường. Làm tốt công tác tham mưu, giúp hiệu trưởng đề ra các biện pháp nhằm kết hợp tốt giữa Nhà trường – gia đình – xã hội trong việc giảng dạy và giáo dục học sinh.
CHƯƠNG 3: QUY ĐỊNH NỀ NẾP CHUYÊN MÔN.
1. Soạn bài.
1.1. Soạn bài đầy đủ theo phân phối chương trình, chất lượng bài soạn cao, đúng chuẩn KTKN. Trình bày khoa học, rõ ràng, sạch đẹp, đúng quy cách theo sự thống nhất chung của nhà trường ( có mẫu hướng dẫn riêng). Không ngừng cải tiến phương pháp giảng dạy, thiết kế bài giảng theo hướng phát huy tính tích cực, sáng tạo và năng lực tự học của học sinh.
1.2. Các phân môn phải có giáo án riêng ( vd: đại số và hình học, văn và tiếng việt). Không soạn gộp, các tiết dạy phải được đánh số thứ tự từ tiết 1 đến tiết cuối cùng của năm học và ghi rõ tuần dạy, ngày soạn, ngày dạy, lớp dạy; ngày dạy, lớp dạy không được đánh máy (với giáo án soạn trên máy vi tính).
1.3. Các tiết thí nghiệm thực hành, mượn thiết bị dạy học phải được chuẩn bị và báo mượn trước 1 – 2 ngày.
1.4. Bài kiểm tra từ 45 phút trở lên phải báo trước và có kế hoạch cho học sinh ôn tập. Đề ra phải sát, đúng trọng tâm chuẩn kiến thức, phù hợp với trình độ thực tế của học sinh. Đề ra và hướng dẫn chấm bài kiểm tra phải được soạn cẩn thận trong giáo án. Đề kiểm tra phải được duyệt tại tổ chuyên môn trước ít nhất 1 tuần. Đề kiểm tra chung phải nộp sớm hơn để tổ chuyên môn thống nhất chọn đề để kiểm tra.
1.5. Cuối mỗi tiết lên lớp nên có phần rút kinh nghiệm để giúp cho lần soạn và lên lớp tiếp theo đạt kết quả tốt hơn.
1.6. Giáo án được thực hiện theo các cách: Viết tay soạn trực tiếp trên sổ theo quy định, soạn trên máy vi tính theo quy định: phông chữ time new roman, cỡ chữ 13 và in theo khổ A4. Khi lên lớp phải có giáo án (viết tay hoặc in trên giấy) do giáo viên trực tiếp soạn, các trường hợp đặc biệt phải báo cáo xin ý kiến BGH. Giáo án được tổ chuyên môn kiểm tra định kỳ hàng tháng, ban giám hiệu kiểm tra ít nhất 1 lần/học kỳ.
1.7. Giáo viên soạn bài trên máy vi tính phải được sự đồng ý bằng văn bản của Phòng GD&ĐT. Có máy tính ở gia đình, máy in; tất cả các biểu mẫu thống kê, báo cáo ... nộp về nhà trường phải đánh máy. Thực hiện theo hướng dẫn soạn bài trên máy tính của nhà trường. Phải thực hiện số lượng tiết dạy có ứng dụng CNTT tối thiểu 2 tiết/HK; Các tiết dạy ứng dụng CNTT phải thể hiện kịch bản trình chiếu trong giáo án, ghi rõ sự chuẩn bị trong kế hoạch giảng dạy.
1.8. Tất cả các đề kiểm tra định kỳ, bài giảng điện tử phải lưu vào USB hoặc gởi qua hộp thư điện tử của nhà trường nộp về chuyên môn nhà trường để lưu và đăng tải lên Website trường. Đối với đề kiểm tra chung, sau khi tổ thống nhất đề kiểm tra, nộp về chuyên môn nhà trường. Các đề kiểm tra định kỳ bao gồm đề kiểm tra, ma trận đề, đáp án và biểu điểm.
1.9. Nghiêm cấm sao chép giáo án dưới mọi hình thức, nếu giáo án được tổ chuyên môn, ban giám hiệu kết luận là sao chép sẽ bị xếp loại chưa đạt và bị xử lý theo các quy định hiện hành.
2. Lên lớp.
2.1. Chuẩn bị chu đáo trước khi lên lớp.
2.2. Ra vào lớp đúng giờ, không vào muộn hoặc ra sớm quá 5 phút ( không có lý do chính đáng), nếu vi phạm sẽ được tính như nghỉ tiết dạy không có lý do.
2.3. Trước mỗi tiết học giáo viên phải kiểm tra số lượng học sinh, trực nhật, vệ sinh và các quy định khác của nhà trường.
2.4. Kiểm tra bài cũ từ 1 đến 3 học sinh, thời gian kiểm tra không quá 10 phút.
2.5. Tư thế, trang phục chỉnh tề, không đút tay vào túi quần, không sử dụng điện thoại trong lớp học; không hút thuốc, không có ảnh hưởng của bia, rượu khi lên lớp.
2.6. Chịu trách nhiệm quản lý học sinh, điểm danh, ghi tên học sinh vắng từng tiết học vào sổ đầu bài. Đồng chí nào thực hiện không nghiêm túc, nếu bị phát hiện từ 2 lần trở lên, sẽ không được xét thi đua tháng. Nhận xét cho điểm tiết học theo đúng quy định.
2.7. Trong giờ dạy không được cho học sinh ra ngoài (trừ trường hợp đặc biệt). Không thi hành kỉ luật học sinh bằng cách gọi lên đứng trên bảng hoặc các hình thức khác gây tổn thương tâm lý, xúc phạm thân thể, nhân phẩm học sinh.
2.8. Kết thúc giờ dạy giáo viên dành 3 – 5 phút củng cố và hướng dẫn học sinh làm việc ở nhà; công khai các lỗi vi phạm, phê rõ các ưu điểm, khuyết điểm và xếp loại giờ học vào sổ đầu bài. Những lỗi vi phạm nặng phải báo giáo viên chủ nhiệm xử lý theo quy định và trực tiếp phản ánh với Ban giám hiệu nhà trường.
2.9. Hoàn thành chương trình đúng thời gian quy định.
3. Kiểm tra chấm bài cho điểm.
3.1. Số lần kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kỳ từng môn học theo quy định của Quy chế đánh giá xếp loại học sinh ban hành kèm theo Quyết định 40/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kiểm tra định kì theo phân phối chương trình, các trường hợp đặc biệt báo cáo xin ý kiến Ban giám hiệu.
3.2. Các bài kiểm tra phải đáp ứng yêu cầu đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh. Tuyệt đối không để học sinh quay cóp, gian lận trong khi làm bài kiểm tra.
3.3. Bài kiểm tra phải chấm cẩn thận, sửa chữa sai sót cho học sinh. Bài kiểm tra thường xuyên trả sau 1 tuần, bài kiểm tra định kì trả sau 2 tuần. Riêng kiểm tra ngữ văn trả theo phân phối của chương trình.
3.4. Kết quả học tập của học sinh được giáo viên bộ môn trực tiếp vào sổ gọi tên ghi điểm hàng ngày.
3.5. Học sinh nào không được dự kiểm tra thì giáo viên bố trí cho học sinh kiểm tra bù. Nghiêm cấm việc cấy điểm cho học sinh.
3.6. Kiểm tra vở ghi, vở bài tập để đánh giá được tinh thần thái độ học tập của học sinh. (kiểm tra không lấy điểm, trừ chấm vở soạn bài văn, chấm bài tập làm ở nhà).
3.7. Sau khi chấm và trả bài kiểm tra định kỳ, giáo viên bộ môn phải nộp toàn bộ bài kiểm tra của học sinh về chuyên môn nhà trường lưu giữ trong thời hạn 1 năm.
4. Dự giờ, thao giảng, chuyên đề, thi GVG cấp trường.
4.1. Hàng tháng thực hiện dự giờ tối thiểu: Ban giám hiệu dự giờ 4 – 6 tiết, các tổ trưởng dự giờ giáo viên 4 tiết, các đồng chí giáo viên dự giờ 2 tiết.
4.2. Sau khi dự giờ phải trao đổi, rút kinh nghiệm và đánh giá giờ dạy theo quy định tại công văn 10227/BGD&ĐT.
4.3. Hàng năm các đồng chí giáo viên tham dự Hội thi giáo viên giỏi cấp trường trong học kỳ I ( đối với giáo viên xếp loại chyên môn năm học trước từ loại khá trở lên). Tất cả giáo viên dạy thao giảng 1 tiết và dạy dự giờ 1 tiết trong kỳ. Kế hoạch, nội dung thi giáo viên giỏi, thao giảng do Ban giám hiệu nhà trường xây dựng.
4.4. Tiết dạy được đánh giá ghi vào phiếu đánh giá giờ dạy theo mẫu quy định của Bộ GD&ĐT ( trừ các tiết dạy không có Ban giám hiệu, Tổ trưởng chuyên môn dự). Phiếu đánh giá giờ dạy sẽ được lưu giữ trong hồ sơ xếp loại giáo viên hàng năm.
4.5. Mỗi năm mỗi tổ phải tổ chức thực hiện 1 chuyên đề lớn.
5. Sáng kiến kinh nghiệm
Mỗi người đều phải luôn luôn đúc rút kinh nghiệm để không ngừng nâng cao hiệu quả giảng dạy và công tác.
Trong một năm học mỗi giáo viên đăng ký từ Lao đông tiên tiến trở lên phải có một sáng kiến kinh nghiệm, sáng kiến kinh nghiệm được đăng ký với tổ, Ban giám hiệu vào tháng 9 hàng năm và được thực hiện suốt năm học.
Đánh giá sáng kiến kinh nghiệm phải theo đúng hướng dẫn của Hội đồng khoa học giáo dục nhà trường và nộp đúng thời gian quy định.
Những sáng kiếm kinh nghiệm phù hợp, có hiệu quả và có khả năng phát triển, áp dụng được rộng rãi nhà trường sẽ có những hình thức khen thưởng thích hợp.
Tuyệt đối không sao chép công trình nghiên cứu khoa học của người khác làm sáng kiến kinh nghiệm bản thân.
6. Kỷ luật lao động.
6.1. Thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý lao động, không vào chậm ra sớm. Thực hiện dạy đúng theo thời khóa biểu, không tự ý đổi giờ hoặc tự ý nhờ người dạy thay (kể cả dạy buổi chiều).
6.2. Trong các ngày lễ, các hoạt động tập thể toàn trường cán bộ giáo viên phải có mặt trước thời điểm bắt đầu hoạt động 30 phút. Giáo viên có mặt tại trường trước các tiết dạy 15 phút. Giáo viên chủ nhiệm phải có mặt tại lớp trong các giờ truy bài vào các ngày: thứ hai, thứ năm, thứ bảy hàng tuần để hướng dẫn học sinh học tập và sinh hoạt Đội theo kế hoạch của Liên đội.
6.3. Cán bộ giáo viên có tiết dạy đầu tiên ở ngày thứ hai phải tham dự tiết chào cờ đầu tuần, hát Quốc ca theo quy định. Cán bộ giáo viên nghỉ phải trực tiếp xin phép Hiệu trưởng, xin nghỉ tiết xin phép Ban giám hiệu, xin đến muộn phải báo cáo Ban giám hiệu hoặc Ban chấp hành công đoàn (nếu có lý do chính đáng). Giáo viên xin nghỉ tiết, nghỉ buổi phải có đơn xin nghỉ, có xác nhận của người dạy thay, của tổ trưởng chuyên môn và nộp cho BGH nhà trường nhưng không quá 3 lần/ kỳ.
6.4. Cán bộ giáo viên đi công tác; nghỉ ốm, nghỉ việc cá nhân dài ngày khi đến báo cáo Hiệu trưởng phải bàn giao công việc, hồ sơ liên quan về Tổ chuyên môn để phân công người khác thay thế.
7. Trang phục, giày dép quy định.
7.1. Trang phục lên lớp:
* Nam: Áo sơ mi, quần dài (không mang quần jean, áo thun) hoặc com lê, bỏ áo vào quần. Có cà vạt khi dạy các tiết dự giờ, thao giảng, chuyên đề, tham gia lễ hội …
* Nữ: Áo có cổ xếp, quần dài hoặc com lê (không mang quần jean, quần thun bó, váy ngắn). Áo dài khi tham dự lễ hội, thứ hai đầu tuần, dạy các tiết dự giờ, thao giảng, chuyên đề.
* Giáo viên TD: Khi lên lớp mang áo quần thể dục theo quy định, không mang áo quần quảng cáo các loại.
7.2. Trang phục lễ hội:
Như trang phục lên lớp hoặc trang phục đồng phục của trường (nếu có).
7.3. Giày dép:
Mang dép có quai hậu hoặc giày.
8. Hồ sơ lớp và công tác bảo quản
8.1. Hồ sơ lớp gồm: sổ đầu bài (chính khoá, học thêm, ôn thi…), sổ gọi tên ghi điểm, sổ học bạ, sổ ghi biên bản họp lớp, các biên bản xử lý vi phạm của học sinh, sổ liên lạc, sơ đồ chỗ ngồi:
8.2. Sổ đầu bài là một trong những hồ sơ quan trọng của lớp ( phản ánh tình hình, đánh giá tiết học, nhật ký thực hiện tiến độ chương trình, phản ánh tinh thần thái độ của học sinh ...).
a. Giáo viên chủ nhiệm phải có trách nhiệm cao trong việc lựa chon học sinh ghi chép, bảo quản sổ mượn, trả sổ hàng ngày đúng nơi quy định. Hàng tuần giáo viên chủ nhiệm tổng hợp tuần trên sổ đầu bài theo đúng hướng dẫn, báo cáo những sự việc đặc biệt lên Hiệu trưởng. Ban giám hiệu định kỳ kiểm tra 2 lần/tháng. Cuối học kỳ, cuối năm giáo viên chủ nhiệm các lớp nộp sổ đầu bài về Ban giám hiệu lưu giữ lâu dài tại trường.
b. Hàng tuần giáo viên chủ nhiệm phải ký khóa sổ, nộp sổ về Văn phòng để Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn kiểm tra, nhận xét, tổng hợp và khóa cuối tuần.
c. Khi bị mất mát, hư hỏng, Văn thư, Giáo viên chủ nhiệm và cán bộ sổ sách lớp phải lập biên bản xác minh sự việc, báo cáo Hiệu trưởng xin biện pháp xử lý.
d. Sổ ghi biên bản sinh hoạt do giáo viên chủ nhiệm hoặc cán bộ sổ sách lớp bảo quản và ghi chép tất cả các cuộc họp lớp.
8.3. Sổ gọi tên ghi điểm.
Giáo viên chủ nhiệm ghi chép nội dung ở các trang sổ theo quy định, giáo viên bộ môn cập nhật điểm học sinh hàng ngày. Cuối học kỳ giáo viên các bộ môn cộng điểm Tbm học kỳ và Tbm cả năm.
Giáo viên chủ nhiệm tổng hợp điểm Tb học kỳ và Tb cả năm, đánh giá, xếp loại học sinh, xét học sinh lên lớp, lưu ban. Lập danh sách học sinh khá giỏi, danh sách học sinh yếu phải thi lại nộp về ban giám hiệu nhà trường theo quy định.
8.4. Sổ học bạ.
GV bộ môn cập nhật điểm TB môn học kỳ và TB môn cả năm. GVCN cập nhật TB học kì và TB cả năm và đánh giá các mặt của học sinh trong sổ.
9. Quy định thực hiện hồ sơ cá nhân và hồ sơ các tổ chuyên môn (Theo Thông báo số 79/PGD&ĐT-CM ngày 7 tháng 5 năm 2013)
* Hồ sơ tổ chuyên môn:
1, Sổ kế hoạch tổ
2, Sổ biên bản tổ
3, Sổ lí lịch giáo viên trong tổ
4, Hồ sơ kế hoạch giáo viên trong tổ
* Hồ sơ giáo viên (bắt buộc 9 loại)
1. Giáo án các môn văn hóa, HĐNGLL (GVCN)
2. Lịch báo giảng.
3. Sổ dự giờ thăm lớp.
4. Kế hoạch cá nhân.
5. Sổ điểm cá nhân.
6. Sổ hội họp.
7. Sổ tích lũy chuyên môn.
8. Hồ sơ lưu đề kiểm tra.
9. Sổ chủ nhiệm. (Đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm)
10. Định mức lao động
Thực hiện theo thông tư 28/2009/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT .
CHƯƠNG 4: KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT.
1. Khen thưởng.
Các đồng chí cán bộ, giáo viên thực hiện tốt các quy định trong quy chế này được xét khen thưởng định kỳ hoặc đột xuất theo các quy định hiện hành của nhà nước, của ngành, của nhà trường.
2. Xử lý vi phạm.
Các tập thể, cá nhân vi phạm các quy định trong quy chế này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của ngành và của nhà trường.
CHƯƠNG 5: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH.
Quy chế này có hiệu lực kể từ năm học 2013 – 2014. Tất các các quy định về thực hiện chuyên môn tại Trường THCS Phong Mỹ trước đây trái với các quy định này đều bị bãi bỏ./.
Số lượt xem : 3158