Kế hoạch các hoạt động khác
Kết luận Chỉ đạo thực hiện các chuyên đề năm học 2023-2024
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG THCS PHONG MỸ Số: …/KL-THCS |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Phong Mỹ, ngày 27 tháng 10 năm 2023 |
KẾT LUẬN
Chỉ đạo thực hiện các chuyên đề năm học 2023-2024
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Viên chức, người lao động trường THCS Phong Mỹ năm học 2023-2024;
Thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Chi bộ trường THCS Phong Mỹ về công tác quản lý và sử dụng CSVC, TBDH và công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong việc quản lý, giáo dục và rèn luyện học sinh;
Căn cứ Biên bản tổ chức Hội thảo các chuyên đề của trường THCS Phong Mỹ về công tác quản lý và sử dụng CSVC, TBDH và công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong việc quản lý, giáo dục và rèn luyện học sinh.
Trường THCS Phong mỹ chỉ đạo thực hiện nội dung các chuyên đề cụ thể như sau:
I. Thực trạng của trường THCS Phong Mỹ liên quan đến các chuyên đề
1. Công tác quản lý và sử dụng CSVC, TBDH
1.1. Đặt vấn đề
Hiện nay CSVC, TBDH được xem như một trong những điều kiện quan trọng để thực hiện thành công nhiệm vụ giáo dục. Sự phát triển nhanh chóng của cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đã và đang tạo ra tiềm năng sư phạm to lớn cho việc dạy học có hiệu quả. Thực tế, các phương tiện dạy học hiện đại đã đem lại chất lượng mới cho các phương pháp dạy học.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, trong thực tế các trường phổ thông nói chung và trường THCS Phong Mỹ nói riêng, vấn đề CSVC-TBDH đã được quan tâm nhiều song vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Việc đánh giá thực trạng những vấn đề đã làm được và những khó khăn đặt ra, cần phải có những giải pháp cụ thể để nhà trường làm tốt hơn nữa công tác quản lí đồng thời phát huy có hiệu quả CSVC-TBDH hiện có chính là nhiệm vụ quan trọng mà mỗi nhà trường phải hết sức quan tâm.
1.2. Thực trạng công tác quản lý và sử dụng CSVC, TBDH
- Việc lập “Sổ thiết bị giáo dục” và việc theo dõi CSVC, TBDH chưa hiệu quả dẫn đến CSVC, TBDH không đáp ứng nguồn gốc sử dụng ban đầu.
- Công tác kiểm kê CSVC, TBDH chưa cụ thể, chủ yếu theo số liệu trên sổ sách. Công tác kiểm tra, bảo trì các thiết bị hiện đại (Thiết bị điện, điện tử …) chưa được quan tâm.
- Việc sắp xếp, bố trí, bảo quản CSVC, TBDH chưa đảm bảo. Kho cất giữ CSVC không kiên cố; kho TBDH có diện tích hẹp khó bố trí TBDH theo từng môn, từng khối. Hệ thống tủ, kệ còn thiếu và không đảm bảo cho việc cất giữ TBDH tránh mất mát.
- Một số giáo viên thiếu ý thức trong việc bảo quản CSVC, TBDH, khi dùng xong không trả lại đúng nơi dẫn đến tình trạng hư hỏng, mất mát. Việc sử dụng thiết bị điện các phòng học, phòng làm việc còn lãng phí, không tắt các thiết bị điện khi không sử dụng.
- Việc khai thác phòng bộ môn chưa thường xuyên và chưa phát huy chức năng phòng học bộ môn trong nâng cao chất lượng dạy học. Có nhiều tiết dạy chưa sử dụng TBDH hoặc sử dụng không hiệu quả.
- Việc quản lý các phòng bộ môn, phòng dùng chung chưa khoa học, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của giáo viên. Việc khai thác sử dụng hóa chất chưa được chú trọng và thường xuyên.
- Việc viết vẻ lên bàn ghế và tình trạng học sinh làm hư hỏng bàn ghế, CSVC, TBDH chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục.
1.3. Nguyên nhân
- Công tác quản lý, chỉ đạo chưa hiệu quả, chưa có giải pháp để khắc phục khó khăn về CSVC.
- Nhiều hạng mục CSVC, TBDH đã đươc trang cấp lâu năm đã hư hỏng dẫn đến thiếu hụt trong phục vụ dạy học. Đặc biệt là máy vi tính tại phòng bộ môn tin và máy của một số bộ phận công tác.
- Diện tích các phòng bộ môn chưa đạt chuẩn, kho thiết bị quá hẹp, hệ thống tủ kệ đựng thiết bị còn thiếu và không đạt yêu cầu.
- Chưa thực hiện tốt công tác bàn giao, giao trách nhiệm tổ chức khai thác sử dụng bảo quản và giữ gìn.
2. Công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong việc quản lý, giáo dục và rèn luyện học sinh
2.1. Đặt vấn đề
Có thể nói, công tác phối hợp nhà trường - gia đình - địa phương trong những năm qua đã được quan tâm chỉ đạo, triển khai và thực hiện tốt, bảo đảm đúng Quy chế quy định của nhà nước. Việc phối hợp chặt chẽ giữa ba môi trường giáo dục đã có tác dụng tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận giáo viên, phụ huynh chưa có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh hiện nay. Công tác phối hợp các môi trường giáo dục còn mang tính hình thức, chưa có chiều sâu, thiếu bền vững, hiệu quả hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục toàn diện.
2.2. Thực trạng công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong việc quản lý, giáo dục và rèn luyện học sinh
a) Công tác quản lý của nhà trường
- Công tác phối hợp quản lý, giáo dục lý tưởng, đạo đức, nhân cách, lối sống, kỹ năng sống, pháp luật, ý thức trách nhiệm công dân cho học sinh chưa thường xuyên và đa dạng về hình thức.
- Chưa phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường; Chưa phân định rõ trách nhiệm của mỗi một thành viên trong nhà trường; một số giáo viên, trong đó có giáo viên chủ nhiệm lớp còn chưa làm hết trách nhiệm quản lý, giáo dục học sinh, vai trò còn mờ nhạt; một số giáo viên giảm nhiệt tình và tâm huyết nghề nghiệp;
- Chức năng của Liên đội, chi đội chưa được phát huy. Công tác Đội đang nghiêng nhiều về kiểm tra, đánh giá mà thiếu công tác tuyên truyền, vận động, khích lệ đội viên nhằm ngăn chặn vi phạm.
- Học sinh nghỉ học quá dễ dàng, việc học sinh đi học nhưng không đến trường vẫn còn xảy ra, tình trạng học sinh không tham gia thực hiện nhiệm vụ học tập làm ảnh hưởng đến phong trào học tập chung toàn trường.
b) Công tác phối hợp của gia đình
Một số gia đình do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cha mẹ đi làm ăn xa, hoặc hoàn cảnh đặc biệt nên không có điều kiện và chưa quan tâm đến việc quản lý, chăm sóc, giáo dục con, chưa phối hợp với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm để giáo dục học sinh; còn có hiện tượng buông lỏng quản lý, phó mặc giáo dục cho nhà trường. Một số gia đình ông bà, cha mẹ chưa thực sự làm gương cho con cháu; học sinh mất điểm tựa, chỗ dựa từ gia đình; một bộ phận phụ huynh chưa nhận thức rõ trách nhiệm giáo dục học sinh, thiếu kiến thức, kỹ năng trong việc quản lý, giáo dục con em.
c) Công tác phối hợi với địa phương
- Mặt trái của môi trường xã hội hiện đại (Mạng xã hội, văn hóa độc hại, trò chơi điện tử…) ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển nhân cách, lối sống, tâm lý, tính cách và hành xử của học sinh, dẫn tới có hành vi sai phạm, bỏ học, chơi điện tử, hành vi bạo lực học đường, vi phạm pháp luật giao thông…
- Người dân thậm chí là một bộ phận cán bộ các tổ chức đoàn thể tại địa phương đang thờ ơ với những hành vi sai phạm của học sinh và quy trách nhiệm cho nhà trường.
- Sự phối hợp giữa nhà trường với các thôn bản trong quản lý và giáo dục HS còn chưa thường xuyên. Nên còn thiếu các giải pháp quản lý trẻ trong độ tuổi đi học ở các thôn bản.
II. Giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý và sử dụng CSVC, TBDH và công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong việc quản lý, giáo dục và rèn luyện học sinh
1. Các giải pháp nhằm khắc phục hạn chế trong công tác quản lý và sử dụng CSVC, TBDH
a) Công tác quản lý
- Hàng năm phải tiến hành kiểm kê theo đúng quy định của Nhà nước về quản lí tài sản. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác quản lí, trang bị và sử dụng CSVC, TBDH. Qua việc kiểm kê theo định kỳ nhân viên phụ trách TBDH sẽ lập ra danh sách các thiết bị hư hỏng để thanh lý kịp thời. Từ đó, vừa tạo được không gian thoáng mát vừa có thêm diện tích để xếp đặt các thiết bị mới.
- Quản lý chặt trong việc điều chuyển CSVC, TBDH từ mục đích sử dụng này sang mục đích sử dụng khác.
- Giao trách nhiệm cho từng cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong việc giữ gìn và bảo vệ CSVC, TBDH và sử dụng tiết kiệm thiết bị điện trong quá trình sử dụng. Có Quyết định bàn giao tài sản cho cá nhân phụ trách.
- Làm thêm tủ; sửa chữa, cải tiến các tủ kệ sắn có để sắp xếp TBDH. Tùy theo tính chất, quy mô của thiết bị mà bố trí diện tích phòng và địa điểm thích hợp.
- Tất cả TBDH phải được sắp đặt khoa học, dễ sử dụng đảm bảo cho giáo viên và học sinh dễ thao tác, thuận tiện đi lại và an toàn khi sử dụng.
- Tu sửa kho chứa trang thiết bị, dụng cụ trường học đảm bảo công tác bảo về và cát giữ.
- Nghiêm khắc xử phạt và có mức độ đền bù phù hợp để có tác dụng răn đe đối với học sinh khác khi vô tình hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản nhà trường.
b) Đối với viên chức thiết bị
- Viên chức thiết bị tham mưu Kê hoạch sắp xếp và thanh lý các thiết bị của chương trình cũ không còn sử dụng để dành chõ cho việc sáp xếp bố trí thiết bị mới (Kế hoạch cần nêu rõ nội dung công việc, người có chuyên để giúp sàng lọc những TBDH không còn sử dụng, lực lượng học sinh tham gia hỗ trợ ...)
- Viên chức thiết bị Lập sổ “Sổ thiết bị giáo dục” với 1 số yêu cầu sau:
+ Phải được cập nhật thường xuyên thông tin TBDH, CSVC hiện có để tiện theo dõi.
+ Sổ thiết bị giáo dục được phân ra theo từng khối, từng môn và thiết bị giáo dục dùng chung. Để lãnh đạo trường quản lý và giáo viên tiện sử dụng.
- Nhân viên thiết bị phải báo cáo kết quả thực hiện của giáo viên trong việc sử dụng thiết bị đã chuẩn bị với lãnh đạo trường để kịp thời nhắc nhở những giáo viên không sử dụng TBDH theo kế hoạch.
c) Đối với giáo viên bộ môn
- Hàng năm vào đầu năm học, đầu kì căn cứ danh mục TBDH hiện có của trường tiến hành kiểm tra thực trạng đề chủ động xây dựng Kế hoạch sử dụng.
- Để công tác chuẩn bị thiết bị dạy học thuận lợi, Khi chuẩn bị thiết kế bài giảng trên lớp, giáo viên tra cứu vào danh mục TBDH ở sổ “Sổ thiết bị giáo dục” để chọn TBDH phục vụ tiết dạy và đăng ký vào sổ đăng kí lịch sử dụng phòng học bộ môn và mượn TBDH cho tuần kế tiếp, để viên chức thiết bị có thời gian chuẩn bị đồ dùng dạy học theo đúng tiết mượn của giáo viên. Đây cũng là minh chứng cho việc sử dụng TBDH của giáo viên.
- Mỗi GVBM phải thể hiện việc sử dụng TBDH, phòng học bộ môn trong Kế hoạch bài dạy để đạt hiệu quả cao nhất, đáp ứng các yêu cầu về nội dung và phương pháp được quy định trong chương trình giáo dục. Sau khi sử dụng TBDH, phòng học bộ môn phải tiến hành vệ sinh, bảo quản và trả về đúng nơi.
- Khi phát hiện máy vi tính, máy móc khác hoặc TBDH hư hỏng phải kịp thời báo cáo bằng “Phiếu đề xuất sửa chữa” theo mẫu tại Kế toán trường để tông hợp và lên Kế hoạch sửa chữa.
d) Đối với tổ chuyên môn
- Tổ chức cho viên chức thiết bị tham gia giới thiệu TBDH hiện có trong các buổi họp tổ CM.
- Tổ chức xây dựng tiết học tại các phòng học bộ môn để dự giờ góp ý nhằm nâng cao hiệu quả chức năng phòng học bộ môn.
e) Đối với bảo vệ trường học
- Giúp Hiệu trưởng trong viêc thường xuyên kiểm tra, kiểm đếm CSVC của nhà trường để báo cáo với lãnh đạo trường về tình trạng hư hỏng, mất mát trang thiết bị và việc sử dụng, gìn giữ, bảo quản CSVC, TBDH không đúng quy định.
- Cất giữ, bảo vệ các trang thiết bị, dụng cụ trường học. Giao nhận và thu hồi trang thết bị, dụng cụ trường học khi cá nhân mượn để sử dụng công việc trong nhà trường.
2. Các giải pháp nhằm khắc phục hạn chế trong công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong việc quản lý, giáo dục và rèn luyện học sinh
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, phụ huynh, tổ chức chính trị, xã hội về ý nghĩa, vai trò của công tác phối hợp ba môi trường nhà trường, gia đình và địa phương trong việc quản lý, giáo dục học sinh; xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các bên liên quan đến từng môi trường giáo dục; mọi tổ chức, cá nhân phải ý thức luôn sẵn sàng phối hợp, chủ động phối hợp mà không có thái độ trông chờ hay ỷ lại vào môi trường giáo dục khác; qua đó tạo sự đồng thuận cao và huy động được sự tham gia chủ động, tích cực của tất cả các lực lượng trong và ngoài nhà trường.
Thứ hai, Tổ chức đa dạng, sáng tạo, thiết thực và hiệu quả các hoạt động hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giáo dục kỹ năng sống, văn hóa, văn nghệ, thể thao, giáo dục ngoài giờ lên lớp tạo sân chơi bổ ích, giáo dục toàn diện học sinh. Thực hiện nghiêm túc Bộ quy tắc ứng xử trong trường học.
Thứ ba, Phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc quản lý, giáo dục, đạo đức, lối sống của học sinh. Phát huy vai trò trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường, trách nhiệm và tâm huyết của đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm lớp; thường xuyên giữ mối liên lạc với gia đình học sinh, nhất là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khác biệt, để nắm bắt tâm tư tình cảm, theo dõi sát sao tình hình tư tưởng, diễn biến tâm lý và có biện pháp kịp thời giáo dục học sinh.
Thứ tư, Phát huy tối đa điểm mạnh của các phương tiện truyền thông như lập trang Facebook, nhóm Zalo, đài phát thanh xã … để tăng cường công tác tuyên truyền gia đình về trách nhiệm và sự quan tâm đến việc học hành, sự trưởng thành, nhất là diễn biến tâm lý của con em mình; phối hợp thường xuyên với nhà trường để cùng quản lý, giáo dục, chăm sóc học sinh. Ngoài các tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương (cấp ủy Đảng, Chính quyền, Hội Khuyến học, Chi đoàn thanh niên,...) thì đội ngũ GVCN là một trong những lực lượng trong việc tuyên truyền, vận động các gia đình quan tâm đến quản lý, giáo dục học sinh trên địa bàn.
Thứ năm, các cấp chính quyền, ban, ngành từ xã đến thôn bản, các đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục quan tâm, phối hợp giúp đỡ nhà trường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cảnh quan sư phạm; tăng cường quản lý các dịch vụ xung quanh trường (quán game, trò chơi điện tử, hàng quán,…), tuyên truyền, giáo dục pháp luật an toàn giao thông, giáo dục phòng chống ma túy, các tệ nạn xã hội, ngăn chặn và hạn chế sự xâm nhập của văn hóa phẩm độc hại vào trong các nhà trường.
Thứ sáu, Phân loại đối tượng học sinh chưa ngoan, chưa chấp hành nội suy nhà trường để có giải phù hợp nhằm hỗ trợ kịp thời cho những học sinh khó khăn và có biện pháp phù hợp với những học sinh cố tình vi phạm.
Thứ bảy: Thường xuyên kiểm tra, đánh giá công tác phối hợp ba môi trường giáo dục trong nhà trường. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả.
III. Tổ chức thực hiện
1. Đối với nhà trường
1.1. Hiệu trưởng
Chỉ đạo các bộ phận, tổ chuyên môn và cá nhân xây dựng Kế hoạch nhằm thực hiện tốt các nội dung tại Kết luận này.
Xem xét, quyết định mua sắm, sủa chữa CSVC, TBDH đáp ứng nhu cầu thực hiện thành công các giải pháp đã nêu.
1.2. Phó Hiệu trưởng
Trực tiếp chỉ đạo các bộ phận, tổ chuyên môn và các cá nhân cá nhân liên quan xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.
Thường xuyên theo dõi, kiểm tra đánh giá kết quả đạt được để kịp thời chỉ đạo điều chỉnh, hỗ trợ đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đặt ra.
1.3. Giáo viên Tổng phụ trách
Căn cứ Nội dung kết luận để xây dựng Kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao.
Phối hợp với các lực lượng trong và ngoài nhà trường nhằm đảm bảo chất lượng tổ chức các hoạt động của Liên đội.
1.4. Các bộ phận, tổ chuyên môn, các cá nhân liên quan
Căn cứ các nội dung có liên quan đến tổ chức và cá nhân mình để xây dựng Kế hoạch đảm bảo nhân lực, kinh phí để thực hiện nhiệm vụ.
2. Đề xuất kiến nghị địa phương
2.1. Đối với lực lượng Công an xã
Tăng cường công tác can thiệp, quản lý các dịch vụ xung quanh trường, trên địa bàn xã (quán game, trò chơi điện tử, hàng quán,…) để ngăn chặn việc học sinh vi phạm các tệ nạn xã hội, hạn chế sự xâm nhập của văn hóa phẩm độc hại vào trong các nhà trường, hạn chế việc học sinh đi học nhưng không đến trường.
2.2. Các tổ chức chính trị, xã hội, Cấp ủy, ban điều hành các thôn bản
Tham gia tuyên truyền, vận động các gia đình quan tâm đến quản lý, giáo dục học sinh trên địa bàn. Tuyên truyền gia đình về trách nhiệm và sự quan tâm đến việc học hành, sự trưởng thành, nhất là diễn biến tâm lý của con em mình; phối hợp thường xuyên với nhà trường để cùng quản lý, giáo dục, chăm sóc học sinh.
Tăng cường hiệu quả công tác khuyến học khuyến tài nhằm tạo một địa phương hiếu học; một xã hội luôn quan tâm và cùng cộng đồng trách nhiệm với nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ.
Tất cả CBGVNV nhà trường nghiêm túc thực hiện Kết luận này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc thì phản hồi về lãnh đạo trưởng để được hỗ trợ và điều chỉnh.
Nơi nhận: - UBND xã Phong Mỹ; - Công an xã Phong Mỹ; - CBGVNV trường; - Website Trường; - Lưu: VT. |
HIỆU TRƯỞNG
Mai Hồng Phi |
Số lượt xem : 19